Ngày 10/06/2025, ông Trần Huyền Dinh, Chủ nhiệm Ủy ban ứng dụng Fintech Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đã tham dự và có bài tham luận tại Hội thảo khoa học cấp Bộ với chủ đề: “Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia – Lý luận và thực tiễn”, do Cục Cảnh sát Hình sự (C02) – Bộ Công an phối hợp với Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an (V04) tổ chức.
Tội phạm công nghệ cao đặt ra thách thức mới
Hội thảo khoa học với chủ đề “Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia – Lý luận và thực tiễn” do Cục Cảnh sát Hình sự (C02) phối hợp với Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an (V04), Bộ Công an tổ chức.
Sự kiện quy tụ gần 100 đại biểu đến từ các đơn vị của Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia và Hiệp hội Blockchain Việt Nam.
Trung tướng, PGS.TS Trần Vi Dân – Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Trưởng Ban chuyên đề giúp việc Bộ trưởng Bộ Công an – và Đại tá Bùi Đức Tài – Phó Cục trưởng C02 – đồng chủ trì hội thảo.
Mục tiêu của hội thảo nhằm chia sẻ thực tiễn, nâng cao nhận thức và đề xuất các giải pháp toàn diện trước sự phát triển ngày càng tinh vi, phức tạp của tội phạm xuyên biên giới, đặc biệt là trong không gian mạng.
Phối hợp Bộ Công an để truy vết dòng tiền bất hợp pháp trên không gian mạng

Đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam, ông Trần Huyền Dinh – Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech, đồng thời là Giám đốc Dự án ChainTracer – đã trình bày tham luận chuyên đề: “Nâng cao hiệu quả phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến blockchain”.
Ông Dinh cung cấp cái nhìn toàn cảnh về thực trạng lừa đảo tài sản mã hoá, rửa tiền qua blockchain, và những khó khăn trong việc hợp tác với các sàn giao dịch quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.
Thống kê từ báo cáo IC3 2024 của FBI và Chainalysis cho thấy Việt Nam đứng thứ hai toàn cầu về số lượng giao dịch đáng ngờ liên quan đến tài sản mã hoá, với 2.629 trường hợp – chỉ sau Hồng Kông. Sáu điểm nóng gồm Hồng Kông, Việt Nam, Mexico, Philippines, Ấn Độ và Trung Quốc hiện chiếm hơn 70% dòng tiền gian lận toàn cầu.
Bên cạnh đó, các công cụ như crypto mixers, cross-chain bridges và các nền tảng chưa được cấp phép như Binance, OKX, MEXC, Gate.io được sử dụng phổ biến trong các quy trình rửa tiền.
ChainTracer – nền tảng truy vết và hỗ trợ nạn nhân

Tại hội thảo, ông Dinh giới thiệu nền tảng ChainTracer – sáng kiến trọng điểm do Hiệp hội Blockchain Việt Nam phát triển, nhằm hỗ trợ truy vết token đáng ngờ và kết nối nạn nhân với cơ quan chức năng.
Trong hơn 50 vụ việc được hỗ trợ, ChainTracer đã ghi nhận hơn 2 triệu USD tài sản được phục hồi. Nền tảng có khả năng phân tích dữ liệu on-chain, truy vết dòng tiền theo thời gian thực và phát hành báo cáo có giá trị pháp lý ban đầu.
Một số vụ việc điển hình được trình bày gồm:
-
Vụ lừa đảo 100.000 USDT trên sàn MEXC, trong đó sàn yêu cầu người dùng ký NDA trước khi hỗ trợ, cản trở quá trình điều tra.
-
Vụ chiếm đoạt 800.000 USDT liên quan đến sàn Gate.io, cho thấy mức độ nghiêm trọng và thiếu hợp tác từ một số sàn giao dịch quốc tế.
-
Các mô hình lừa đảo có tổ chức như Matrixchain và TrustX Market, hoạt động với thủ đoạn ponzi, đổi tên thường xuyên và tổ chức huy động vốn phi pháp.
Theo ông Dinh, những công cụ kỹ thuật như ChainTracer đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa người dùng, cơ quan chức năng và các nền tảng giao dịch, giúp tăng khả năng phản ứng nhanh và truy vết hiệu quả.
Kiến nghị hoàn thiện pháp lý và tăng cường hợp tác quốc tế

Kết luận tham luận, ông Trần Huyền Dinh nhấn mạnh sự cấp thiết của việc hoàn thiện khung pháp lý đối với tài sản mã hoá và các dịch vụ tài chính số liên quan.
Ông đề xuất:
-
Tăng cường hợp tác liên ngành giữa các cơ quan công an, ngân hàng và tổ chức quốc tế;
-
Xây dựng mạng lưới chia sẻ thông tin để hỗ trợ điều tra nhanh các vụ việc lừa đảo xuyên biên giới;
-
Đẩy mạnh giáo dục cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ – nhóm dễ bị tổn thương trong không gian mạng.
Sự tham gia tích cực của Hiệp hội Blockchain Việt Nam tại hội thảo là minh chứng cho vai trò ngày càng rõ nét của khu vực tư nhân, công nghệ và xã hội trong công cuộc bảo vệ người dùng, củng cố an ninh kinh tế số và đấu tranh với tội phạm công nghệ cao.
Đọc thêm:
– Ứng dụng Blockchain và AI trong công tác công an, tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự
– Cần quản lý chặt chẽ sàn giao dịch tiền mã hoá để phòng chống rửa tiền và tội phạm xuyên biên giới